Thị thực Du lịch & Công tác Hoa Kỳ

Loại thị thực

Thị thực du lịch B-1/B-2 dành cho những người đến Hoa Kỳ tạm thời để công tác (B-1) hoặc du lịch hoặc điều trị y tế (B-2). Nói chung, thị thực B-1 dành cho mục đích giải quyết các vấn đề công việc, tham dự hội nghị/hội thảo khoa học, giáo dục, chuyên môn hoặc kinh doanh, dàn xếp tài sản hoặc đàm phán hợp đồng. Thị thực B-2 dành cho  mục đích mang tính giải trí, bao gồm đi du lịch, thăm bạn bè hoặc họ hàng, điều trị y tế và các hoạt động có đặc thù về tình hữu nghị, xã hội hoặc dịch vụ. Thông thường, thị thực B-1 và B-2 được kết hợp và cấp dưới dạng một thị thực: B-1/B-2.

Điều kiện cấp thị thực

Nếu bạn xin Thị thực B-1/B-2, bạn phải chứng minh với viên chức lãnh sự rằng bạn đủ điều kiện xin Thị thực Hoa Kỳ theo Đạo luật Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ (INA). Mục 214(b) trong INA coi mọi đương đơn xin Thị thực B-1/B-2 là người có ý định định cư. Bạn phải vượt qua giả định pháp lý này bằng cách thuyết phục được Viên Chức Lãnh Sự rằng:

  • Mục đích của chuyến đi đến Hoa Kỳ là chuyến đi tạm thời, chẳng hạn như đi công tác, đi du lịch hoặc điều trị y tế;

  • Bạn dự định lưu trú tại Hoa Kỳ trong một khoảng thời gian cụ thể, có hạn;

  • Bằng chứng ngân sách để chi trả những chi phí khi bạn ở Hoa Kỳ;

  • Bạn có địa chỉ thường trú ngoài Hoa Kỳ cũng như những ràng buộc về xã hội hoặc kinh tế khác đảm bảo rằng bạn sẽ trở về sau khi kết thúc chuyến đi.

Các giấy tờ cần chuẩn bị

Nếu bạn xin Thị thực công tác/du lịch, bạn phải gửi giấy tờ sau:

  1. Giấy xác nhận Đơn (DS-160);

  2. Hộ chiếu hợp lệ có hiệu lực ít nhất 06 tháng (trừ khi được miễn theo thỏa thuận quốc gia cụ thể. Mỗi đương đơn xin thị thực, kể cả trẻ em, phải có hộ chiếu riêng và mẫu đơn DS-160 riêng;

  3. Một (1) ảnh 5cm X 5cm, chụp trong vòng 06 tháng gần đây nhất, ảnh chụp trên nền trắng, nhìn rõ hai tai, không đeo kính lúc chụp ảnh;

  4. Biên nhận thể hiện khoản thanh toán lệ phí xử lý đơn xin Thị thực không định cư;

  5. Giấy xác nhận lịch hẹn phỏng vấn.

Các bước xin thị thực

Bước 1: Hoàn tất Mẫu Đơn xin Thị Thực Không Định cư  (DS-160).

Bước 2: Thanh toán lệ phí xét đơn xin Thị thực.

Bước 3: Lên lịch hẹn phỏng vấn.

Bước 4: Đến Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán Hoa Kỳ vào ngày và thời gian bạn phỏng vấn xin Thị thực.

Giấy tờ hỗ trợ

Giấy tờ hỗ trợ chỉ là một trong nhiều yếu tố mà Viên chức Lãnh sự sẽ cân nhắc trong cuộc phỏng vấn của bạn. Viên chức Lãnh sự sẽ xem xét từng đơn xin thị thực và cân nhắc các yếu tố về công việc, xã hội, văn hóa và các yếu tố khác trong khi quyết định. Viên chức Lãnh sự có thể xem xét dự định cụ thể của bạn, hoàn cảnh gia đình, kế hoạch và dự định lâu dài trong quốc gia thường trú của bạn. Mỗi hồ sơ được kiểm tra riêng và phù hợp với mỗi cân nhắc theo luật.

Lưu ý: Không xuất trình giấy tờ giả. Gian lận hoặc trình bày sai có thể dẫn đến việc không đủ điều kiện xin Thị thực vĩnh viễn. Nếu đương đơn quan tâm đến vấn đề bảo mật, hãy mang theo giấy tờ đến Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán Hoa Kỳ trong một phong bì được dán kín. Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán Hoa Kỳ sẽ không tiết lộ thông tin này cho bất kỳ ai và sẽ tôn trọng tính bảo mật của thông tin.

Bạn nên mang theo những giấy tờ sau đến buổi phỏng vấn. Giấy tờ gốc luôn được ưu tiên hơn so với bản sao và bạn phải mang theo những giấy tờ này đến buổi phỏng vấn. Không gửi bất kỳ giấy tờ hỗ trợ nào qua fax, email hoặc đường bưu điện đến Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán Hoa Kỳ.

  1. Bằng chứng hiện tại về thu nhập, tiền thuế, quyền sở hữu tài sản hoặc kinh doanh, hoặc tài sản.

  2. Hành trình chuyến đi của bạn và/hoặc giải thích khác về chuyến đi dự định của bạn.

  3. Thư của chủ lao động nêu chi tiết vị trí, mức lương, thời gian bạn đã làm việc, kỳ nghỉ được phép và mục đích công việc, nếu có, của chuyến đi đến Hoa Kỳ của bạn.

  4. Hồ sơ hình sự/tòa án liên quan đến bất kỳ vụ bắt giữ hoặc kết án ở bất cứ nơi nào, ngay cả khi bạn đã kết thúc bản án hoặc được ân xá sau đó.

Ngoài ra, dựa theo mục đích của chuyến đi, bạn nên cân nhắc mang theo những giấy tờ sau:

Học sinh
Mang theo kết quả học tập, bảng điểm và bằng cấp mới nhất. Đồng thời, mang theo bằng chứng hỗ trợ tài chính như bản sao kê ngân hàng hàng tháng, phiếu tiền gửi cố định hoặc bằng chứng khác.

Người lớn làm việc
Mang theo thư tuyển dụng của chủ lao động và phiếu lương từ ba tháng gần đây nhất.

Doanh nhân và giám đốc công ty
Mang theo bằng chứng về vị trí của bạn trong công ty và tiền thù lao.

Thăm họ hàng
Mang theo bản sao bằng chứng về tình trạng của người họ hàng (chẳng hạn như Thẻ Xanh, chứng nhận nhập tịch, Thị thực hợp lệ, v.v.).

Khách trước đây đã đến Hoa Kỳ
Nếu trước đây bạn đã ở Hoa Kỳ, bất kỳ giấy tờ nào chứng thực cho tình trạng định cư hoặc Thị thực của bạn.


Giấy tờ Hỗ trợ đối với các Đương đơn tìm Dịch vụ Chăm sóc Y tế tại Mỹ

Nếu bạn muốn đến Hoa Kỳ để điều trị y tế, bạn nên chuẩn bị xuất trình giấy tờ sau ngoài những giấy tờ được liệt kê ở trên và những giấy tờ mà viên chức lãnh sự có thể yêu cầu:

  1. Chẩn đoán y tế của bác sĩ trong nước giải thích về bản chất của căn bệnh và lý do bạn cần điều trị tại Hoa Kỳ.

  2. Thư của bác sĩ hoặc cơ sở y tế tại Hoa Kỳ thể hiện sự sẵn sàng điều trị căn bệnh cụ thể này và nêu chi tiết về thời gian và chi phí điều trị dự kiến (bao gồm lệ phí cho bác sĩ, lệ phí nằm viện và tất cả chi phí liên quan đến y tế).

  3. Bản tuyên bố về trách nhiệm tài chính của các cá nhân hoặc tổ chức thanh toán chi phí đi lại, điều trị y tế và ăn ở của bạn. Các cá nhân đảm bảo thanh toán những chi phí này phải cung cấp bằng chứng về khả năng thực hiện của họ, thường bằng mẫu đơn của ngân hàng hoặc các bản sao kê khác về thu nhập/tiền tiết kiệm hoặc bản sao tờ khai thuế thu nhập đã được chứng nhận.

Lưu ý quan trọng

Bạn không được phép mang các thiết bị điện tử, bao gồm điện thoại di động, vào tòa nhà Đại sứ quán hoặc Tổng Lãnh sự quán.  Chúng tôi rất tiếc về sự bất tiện này và cảm ơn sự hợp tác của bạn.

LSQ không cho phép bên thứ ba tham gia buổi phỏng vấn thị thực không định cư.  Quy định này cũng áp dụng cho các bên thứ ba là công dân Hoa Kỳ hoặc thường trú nhân.  Nếu có bên thứ ba quan tâm tới trường hợp xin thị thực của bạn, bạn có thể yêu cầu họ viết thư nêu rõ mục đích quan tâm và đem đến buổi phỏng vấn.  Các đương đơn dưới 17 tuổi PHẢI đi cùng cha me hoặc người giám hộ tới buổi phỏng vấn.  Ngoài ra, trong trường hợp đương đơn là người khuyết tật, cha mẹ hoặc người giám hộ có thể tham gia buổi phỏng vấn. 

Bạn có thể lựa chọn phỏng vấn Tiếng Việt hoặc Tiếng Anh.  Nếu bạn không nói tiếng Việt hoặc tiếng Anh, bạn có thể mang theo thông dịch viên.

Không có bất kỳ đảm bảo trước nào về việc bạn được cấp thị thực hay không.  Bạn không nên lên những kế hoạch đi lại không thay đổi được cho tới khi nhận được thị thực.

Các chi phí chữa bệnh và viện phí tại Hoa Kỳ là tương đối cao, các bảo hiểm y tế nước ngoài thường không được chấp nhận tại Hoa Kỳ nên du khách và thường trú dân phải tự thanh toán chi phí.  Nếu như gói bảo hiểm của bạn không bao gồm các chi phí ở nước ngoài, bạn nên cân nhắc mua gói bảo hiểm ngắn hạn mà có thể chi trả cho các khoản này.  Có những gói bảo hiểm y tế được thiết kế nhằm trang trải các chi phí trong thời gian du lịch.  Nhiều đại lý du lịch và công ty tư nhân có bán các gói bảo hiểm bao gồm các chi phí y tế phát sinh tại Hoa Kỳ.  Nếu bạn có bệnh mãn tính hoặc dự tính sẽ cần chăm sóc y tế tại Hoa Kỳ, hãy lên kế hoạch trước bằng cách  mua bảo hiểm phù hợp trước khi lên đường.

 

TỰ DO VISA - 0944 560 888

Thong ke